Đăng lúc: 4:16 pm, Ngày 06/07/13
Tờ Guardian (Anh) vừa giới thiệu 10 loài động vật có vú nổi bật mới được phát hiện trong thập kỷ qua, trong đó có loài sao la quý hiếm của Việt Nam.
Cercopithecus lomamiensis là một loài khỉ mới vừa được công bố ngày 13/9/2012, sống trong khu rừng nhiệt đới có diện tích khoảng 17.000km2 ở miền trung Cộng hòa dân chủ Congo. Loài khỉ này khá nhút nhát. Thức ăn chính của nó là trái cây và lá. Phát hiện này được cho là hiếm và có ý nghĩa quan trọng vì đây chỉ là loài khỉ mới thứ hai được phát hiện tại châu Phi trong 28 năm qua, trước đó là loài khỉ Rungwecebus kipunji được tìm thấy ở Tanzania vào năm 2003.
Loài vượn cáo mới Microcebus lehilahytsara được tìm thấy năm 2005 tại Công viên quốc gia Masoala, Madagascar.
Lười lùn 3 ngón Bradypus pygmaeus là một loài đặc hữu của Isla Escudo de Veraguas - một hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi bờ biển Panama. Nó được xác định là một loài lười riêng biệt trong năm 2001.
Loài động vật linh trưởng này chưa từng được biết đến trước đây, được các nhà khoa học ở Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) phát hiện trong một chuyến thám hiểm năm 2010 tại khu rừng mưa nhiệt đới Mato Grosso, Brazil. Đây là loài khỉ mới thuộc chi Callicebus. Nó có đặc điểm nổi bật là lông rậm quai nón màu đỏ trên mặt, phần trán có lông màu vàng hoe và cái đuôi dài màu đỏ rực như lửa.
Dơi ăn mật hoa là một loài mới độc đáo trong thế giới loài dơi bởi có đặc tính hút mật như chim ruồi. Nó được phát hiện tại vùng núi Foja, Papua New Guinea vào năm 2010.
Trong tháng 9/2011, các nhà khoa học tại ĐH Monash (Úc) công bố phát hiện loài cá heo mới Tursiops Australis, sống tại vịnh Port Phillip và hồ Gippsland thuộc bang Victoria nước này. Hiện “dân số” của chúng chỉ có khoảng 150 con.
Trông như một con nai nhỏ, loài sao la thực sự thuộc về phân họ Trâu bò được phát hiện lần đầu tiên năm 1992 tại Việt Nam. Mãi cho tới năm 2010 mới có một cá thể sao la khác được tìm thấy. Nó đã bị bắt bởi dân làng ở tỉnh Bolikhamxay (Lào) nhưng trong khi nuôi nhốt, nó đã bị chết trước khi các nhà nghiên cứu tìm tới.
Chuột Mus cypriacus được công nhận là loài mới trong năm 2006, chỉ được tìm thấy tại Cộng hòa Síp - một quốc đảo Âu Á nằm ở phía đông Địa Trung Hải. Loài chuột này có đặc điểm khác biệt so với các loài chuột ở châu Âu là có đầu, tai, mắt và răng đều lớn hơn.
Ngày 15/2/2010, lần đầu tiên các nhà khoa học chụp được ảnh của loài báo mới - báo gấm Sundaland tại khu bảo tồn rừng Dermakot, đảo Borneo thuộc địa phận bang Sabah, Malaysia.
Năm 2011, các nhà khoa học phát hiện loài chuột mới chỉ có “hai răng thỏ” (hay răng cửa) tại các khu rừng mưa nhiệt đới ở tỉnh Sulawesi, Indonesia. Trong khoảng 2.200 loài gặm nhấm thì loài chuột mới được biết đến là duy nhất không có răng hàm, có tên khoa học Paucidentomys vermidax.
Họ tiến hành kiểm tra dạ dày loài chuột này thì phát hiện bên trong chỉ chứa thức ăn duy nhất là giun đất. Do đó, họ cho rằng đó chính là nguyên nhân làm loài chuột này trong quá trình tiến hóa đã thiếu hẳn răng hàm (để gặm các loại hạt), thay vào đó chỉ có hai răng cửa để cắn đứt giun đất.
Sưu tầm từ khoahoc.