Theo ông Vương, ở Việt Nam, 100% các công trình đê đập, kiến trúc xây dựng đều bị mối xông!
Cũng vì vậy mà thời xưa, mỗi khi vỡ đê, các cụ nhà ta lại tưởng tượng ra những truyền thuyết ly kỳ, rùng rợn về “thần mối", "yêu quái hình mối”. Từ chùa Tây Phương, đình Tây Đằng, đình Chu Quyến (Hà Tây), nhà cổ Hội An (Quảng Nam) đến cả khu Hoàng thành Hà Nội cũng bị mối tấn công.
Cách đây hơn một tháng, khi Ban Quản lý di tích Hoàng thành cho phép mở cửa đón khách tham quan, ông Vương cũng thắc thỏm vào xem với một linh cảm nghề nghiệp không lành. Và, đúng như ông dự đoán, khu Đoan Môn, cánh cửa của một số cụm công trình chung quanh khu điện Kính Thiên đều có mối. Ngay Khu khai quật khảo cổ Hoàng thành (18 đường Hoàng Diệu) cũng đứng trước nguy cơ bị mối "càn quét" vì khai quật trên nền nhà cửa cũ nên những loài mối ký sinh trên các công trình kiến trúc cũ sẽ có khả năng phát tán.
Gần 20 năm "chung sống" với mối, đến giờ ông Vương có thể kể tội rành rẽ từng loài mối. Mối gỗ khô chủ yếu tấn công các loại gỗ mềm. Đối với gỗ lim, chúng chỉ ăn được phần gỗ giác. Loài này có đủ khả năng phá hủy bề mặt các cột, họa tiết hoa văn cổ như ở Chùa Nả (Ba Vì), Đình Trinh Tiết (Mỹ Đức), Đình Cống Xuyên (Thường Tín). Ngược lại, nhóm mối trồng nấm chỉ ưa thích các loại gỗ đã bị ải, do đó, chúng thường chỉ tấn công lớp gỗ bên ngoài, ít phá hủy kết cấu chịu lực của công trình. Nhóm mối gỗ ẩm lại ăn ngầm trong tường, trong gỗ. Do sức phá hoại lớn, nên chúng gây hại cho nhiều công trình di tích, nhiều công trình bị nhóm mối này phá hủy hầu như toàn bộ cấu kiện.
Trong khi trình độ xử lý mối hại đê đập của ta đã phát triển tương đương các nước tiên tiến trên thế giới thì việc xử lý mối ở các công trình di tích còn thua xa về công nghệ vì thiếu hóa chất đặc chủng do giá đắt. Mặt khác, nhiều năm qua, công tác phòng chống mối cho công trình di tích chưa được quan tâm đúng mức và thường bị động; chỉ khi các nhà quản lý phát hiện ra mối gây hại mới xây dựng biện pháp phòng chống. Chẳng hạn, ở Chùa Kim Liên (niên đại thời Lý), khi phát hiện có mối, thì công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Thế là các cơ quan chức năng mới "chữa cháy" bằng cách sử dụng tới... 70 cột chống!
Ở Quần thể di tích Cố đô Huế, theo khảo sát của Tiến sĩ Vương, công trình nào cũng có chỗ bị mối xâm hại. Nguy hại nhất là Khu lăng Tự Đức sắp có nguy cơ đổ sập vì mối! Song, hiện nay Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế mới chỉ đưa ra được vài ba giải pháp tình thế.
Thử nghiệm phương pháp diệt mối mới
Khi nhóm chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu, phòng trừ mối tới Chùa Liên Hoa (Hà Nội) thì một góc Chùa đã bị mối làm sụt lún. Còn tượng Phật thì bị nghiêng 20 độ vì mối đục cả vào thân. Họ đã chọn chùa này là nơi thử nghiệm lần đầu tiên phương pháp diệt mối mới: dùng bả độc - một đề tài ông Vương đã nghiên cứu từ bốn năm qua.
Mày mò đến lần thử nghiệm thứ 100 ông Vương mới thành công ở di tích này. Sau khi phun thuốc chừng nửa tháng thì mối chết sạch. Và ở chỗ tổ mối cũ mọc lên một số cây nấm. Khi tôi cố gặng hỏi bí quyết của ông thì ông chỉ "bật mí" rằng đây là loại hóa chất tiên tiến nhất mà chỉ ở các nước giàu mới có và "cương quyết, không tiết lộ thành phần hóa học của công nghệ này để giữ... bản quyền! Còn nguyên lý dùng bả độc là sử dụng hoạt chất hóa học rồi đặt vào trong tổ mối. Chú mối nào ăn phải sẽ không chết ngay lập tức mà còn... thải phân ra ngoài. Một đặc tính sinh học của loài mối là con này thường ăn phân của con kia cứ thế lần lượt, cả đàn đều... ăn phân của nhau và sẽ cùng chết sau 7 đến 9 ngày! Tuy phản ứng hóa học chậm nhưng hiệu quả lại rất cao.