Mối là một trong những côn trùng gây hại nguy hiểm nhất ở rừng, sống theo xã hội với những đẳng cấp khác nhau như mối thợ, mối lính, mối chúa, mối vua và mối giống.
Những tổn thất kinh tế do mối gây ra trong vườn ươm và rừng trồng là rất lớn. Bạch đàn là loài cây bị mối gây hại rất nặng. Ngoài ra thông, phi lao và một số cây trồng khác cũng bị mối xâm nhập phá hại.
Hiện tượng và tác hại:
- Mối ăn tạo nên những đường hầm xung quanh thân, làm mất vỏ cây.
- Phá hại cắn rễ và gốc thân ở dưới đất làm cho cây chết. Nguyên nhân chủ yếu làm cho cây chết do mối tấn công là vòng vỏ bị cắt và hệ thống mạch dẫn nhựa bị tắc.
Mùa hại chính của mối:
Mùa hại chính của mối gắn chặt với mùa khô và cây non trồng dưới 12 tháng tuổi, đặc biệt là bạch đàn. Tỷ lệ cây chết trên rừng trồng đặc biệt là bạch đàn do mối phá hại ở lứa tuổi này có nơi lên đến 60 - 80%. Bình thường khoảng 20 - 30%.
Biện pháp phòng trừ:
- Vệ sinh rừng trước khi trồng: Hố và xung quanh hố phải dọn sạch cành nhánh, vì cành nhánh là mồi nhử mối tới.
- Sau khi trồng, nếu điều tra thấy có nhiều mối đến xâm nhập, có thể làm những hố nhử mối bằng cành lá. Mỗi ha có thể đào 5-7 hố, sâu khoảng 60 cm và có đường kính 60 cm. Cho cành nhánh, lá, mối thích ăn xuống, lấp nhẹ đất, tưới nước, nhử mối. Khi mối đến, dùng thuốc trừ sâu diệt cả bầy trong hố.
- Phương pháp có hiệu quả và rẻ nhất là bảo vệ các lứa cây con bằng cách gieo trồng chúng trong các bầu nhựa chứa đất đã xử lý.
- Khi bứng cây đem trồng, nên để bầu nhựa có đất đã xử lý nổi trên bề mặt đất khoảng 3-4 cm, có thể ngăn ngừa được mối phá hại cây con.
- Phá vỡ tổ mối, đường mối giữa tổ và nơi mối gây hại cây con, bằng cách rắc thuốc Thiodan 35% có thể hạn chế mối phá hại từ 6-9 tháng.
- Xử lý trước đất bầu, cây con có bầu và hố trồng là rất quan trọng để ngăn ngừa mối. Có thể dùng túi bầu nhựa thay thế túi bầu đất hay lá chuối.
- Chọn loài cây trồng có tính đề kháng với mối. Qua quá trình thực tế quan sát ở cơ sở, rút ra được loài cây nào có tính chống chịu cao với mối, tuy năng suất có kém hơn một chút cũng nên trồng.
- Trồng dày cố ý: Trong một số trường hợp, mối phá hại không thể tránh khỏi được và có thể ứng dụng việc trồng dày cố ý. Sau khi cây trồng vượt qua được giai đoạn nhiễm mối, lại tỉa thưa hợp lý.
- Lựa chọn cây khoẻ mạnh đem trồng. Chú ý không xén rễ vì xén rễ làm tăng nguy cơ xâm nhiễm cơ giới vào cây con (bởi nấm hoặc côn trùng thứ sinh).
Việc xén rễ phải lên lịch, cho phép cây con đủ thời gian phục hồi và liền các vết thương.
- Có thời gian biểu trồng và tưới nước thích hợp cho cây con trước khi bứng trồng để tránh gây tổn thương cơ giới, tạo điều kiện thuận lợi cho mối xâm nhập.
- Không nên trồng bạch đàn trên hiện trường trồng rừng cũ, vì dễ bị mối phá hại, có thể thay bằng cây trồng khác như keo hoặc cây địa phương.
- Không bón phân tổng hợp NPK có chứa cám cưa, vì cám cưa rất hấp dẫn mối.
Nguồn xaluan